VB UBND thị trấn
Đăng ngày: 14/08/2018 - Lượt xem: 559
Tìm hiểu thuật ngữ "Thị trường lao động" trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Thị trường lao động bao gồm những chủ thể sau: những người thuê lao động (người mua) và đại diện của họ; những người làm thuê (người bán) và đại diện của họ; Nhà nước và các đại diện của mình; các tổ chức môi giới trung gian.

Dưới góc độ của khoa kinh tế chính trị học, thị trường lao động là nơi mua bán sức lao động. Trong thực tế cuộc sống, có thể hiểu thị trường lao động là nơi diễn ra các hoạt động tương hỗ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong một không gian kinh tế xác định, thể hiện những quan hệ kinh tế và pháp lý giữa họ với nhau. Hay nói chi tiết hơn, thị trường lao động là tập hợp những quan hệ kinh tế, pháp lý, xuất hiện giữa người sở hữu sức lao động (người lao động) và người sử dụng nó (người thuê lao động) về vấn đề chỗ làm việc cụ thể, nơi mà hàng hóa và dịch vụ sẽ được làm ra. Người nắm giữ sức lao động sẽ được tạo ra cơ hội để nhận chỗ làm việc, nơi mà anh ta có thể làm việc, thể hiện khả năng, và nhận thu nhập để tái sản xuất sức lao động của mình. Người thuê lao động sẽ có cơ hội thu lợi nhuận do sử dụng sức lao động đó. Trên thị trường sẽ hình thành những quan hệ việc làm, xác định nội dung, điều kiện việc làm và mức giá cả (tiền công).

Những yếu tố cơ bản của thị trường lao động là mức cầu sức lao động; mức cung sức lao động; giá cả của sức lao động (tiền lương); cạnh tranh trên thị trường lao động; cơ sở hạ tầng của thị trường lao động.

Thị trường lao động bao gồm những chủ thể sau: những người thuê lao động (người mua) và đại diện của họ; những người làm thuê (người bán) và đại diện của họ; Nhà nước và các đại diện của mình; các tổ chức môi giới trung gian.

Thị trường lao động có những khác biệt so với các thị trường khác, sức lao động không thể tách riêng khỏi người cung cấp hay còn gọi là người bán sức lao động. Vì vậy, các chính sách đối với thị trường này chính là chính sách đối với con người (chế độ đãi ngộ, chế độ lao động, làm việc, bảo hiểm xã hội,...). Tiền lương, tiền thưởng là một trong nhiều công cụ quan trọng góp phần duy trì, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong quá trình lao động, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như: giá cả, lạm phát, việc làm, thất nghiệp, thu nhập,... Thị trường lao động luôn có giới hạn về địa lý theo vùng, về chuyên môn theo ngành nghề và có sự không đồng nhất.

Hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động là một yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với tư tưởng và quan điểm xuyên suốt là giải phóng mọi sức sản xuất, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tăng tốc độ phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội XII của Đảng nêu rõ yêu cầu: "Phát triển thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ, liên thông, minh bạch và tạo thuận lợi cho việc tự do dịch chuyển lao động. Phát triển mạnh thị trường nhân lực chất lượng cao, nhất là lao động kỹ thuật và nhân lực quản trị kinh doanh. Tăng cường quản lý, mở rộng thị trường và nâng cao hiệu quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài".

Nguồn: GS.TS Phùng Hữu Phú - GS.TSKH Nguyễn Văn Đặng – PGS.TS Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NXB CTQG – Sự thật, Hà Nội, 2016

Tin liên quan