Trần Thị Thanh Thủy
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Xác định rõ vai trò to lớn của báo chí, tuyên truyền đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, tháng 6.1943, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên đã thành lập Báo Bãi Sậy, đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng tỉnh nhà. Qua chặng đường 75 năm (1943-2018), cùng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực quyết tâm đổi mới, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, phóng viên, Báo Bãi Sậy (nay là Báo Hưng Yên) đã khẳng định vai trò tiên phong của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tư tưởng văn hóa, phát huy truyền thống đất và người Hưng Yên văn hiến và cách mạng.
Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1943, nhờ có sự giúp đỡ của Xứ ủy Bắc Kỳ, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hưng Yên được kiện toàn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 3.1943), phát huy giá trị "Đề cương Văn hóa Việt Nam", đầu năm 1943, đồng chí Trần Thị Minh Châu (Trưởng Ban Cán sự Đảng tỉnh, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Bãi Sậy) cùng các đồng chí Nguyễn Quyết (tức Đại tướng Nguyễn Quyết), Chu Văn Tập (tức nhà văn Học Phi) đã thống nhất việc ra một tờ báo cách mạng của tỉnh. Từ ý tưởng, nỗ lực vận động và tâm huyết của các đồng chí sáng lập, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ban Cán sự Đảng tỉnh, tháng 6.1943, Báo Bãi Sậy ra số đầu và được lưu hành rộng rãi trong tỉnh, đánh dấu Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh sớm có tờ báo cách mạng của riêng mình.
Tên báo Bãi Sậy có ý nghĩa như một quyết tâm tiếp lửa, thổi bùng và phát huy lên một bước mới truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bền bỉ của vùng đất và con người Hưng Yên trước nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Với tâm huyết và tư duy cách mạng, Bãi Sậy là tên một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, làm rung động bộ máy thống trị của giặc Pháp trên miền đất Hưng Yên (1883-1892). Sau này, Đại tướng Nguyễn Quyết từng nói tên Báo Bãi Sậy như sau: "Cái tên đầy ý nghĩa ấy được bật ra từ cả quá trình đi làm cách mạng của chúng tôi".
Những ngày đầu, Ban Biên tập Báo phải khắc phục khó khăn, không có giấy, mực, nhà in, trụ sở, kinh phí... tất cả được hoàn thành dưới sự chở che, đùm bọc, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần từ nhân dân. Tuy thiếu thốn mọi thứ, các hoạt động từ biên tập, in ấn, phát hành đều tiến hành bí mật do gặp phải sự chống phá của chính quyền thực dân tại Hưng Yên. Song, với tâm huyết và quyết tâm của những người cách mạng tiên phong làm báo ở Hưng Yên, họ đã mang cái tâm và cái tài, tác nghiệp rất chuyên nghiệp, tạo ra sản phảm có chất lượng ngay từ những số báo đầu tiên với nội dung, thể loại đa dạng, phong phú. Những bài xã luận do đồng chí Hoàng Quốc Việt viết được đánh giá có sức chiến đấu "mạnh hơn cả đại bác" của kẻ thù. Bên cạnh các chuyên mục, tin, bài về tình hình tin tức, thời sự thế giới, trong nước, trong tỉnh, Báo còn cả mục thơ ca văn nghệ... Để dễ lưu truyền, báo được in khổ giấy học trò, các bài viết ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo nội dung thông tin với thể loại, mục đích viết rõ ràng, đáp ứng đa dạng đối tượng độc giả.
Sau số báo đầu tiên, Bãi Sậy đã nhận được hiệu ứng tốt từ quần chúng, có tác động to lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh ta, được đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ gửi thư khen ngợi, ghi nhận và cổ vũ. Chính quyền thực dân phong kiến vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá cơ sở in báo và vây bắt với âm mưu "giăng bẫy, thả lưới, phá ổ, nhổ rễ" phong trào cách mạng. Song, với quyết tâm của các đồng chí trong Ban Biên tập, Báo Bãi Sậy vẫn gần như mỗi tháng ra một số.
Sau khi ra được 7 số báo thì phong trào cách mạng ở Hưng Yên bị khủng bố, Báo Bãi Sậy phải ngừng xuất bản. Tuy vậy, những số Báo đầu tiên đã khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, củng cố lòng tin tưởng của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng. Thông qua tin tức thời sự thế giới giúp quần chúng nhân dân nhận thấy những điểm yếu và thất bại không tránh khỏi của phe phát xít, điểm mạnh và niềm tin tất thắng của Liên Xô và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nội dung báo còn tập trung tố cáo và vạch trần hành động tàn ác của phát xít Nhật và thực dân Pháp, đồng thời khuyếch trương nhanh chóng những thắng lợi của nhân dân trong việc chống nhổ lúa trồng đay, chống thuế, tạo động lực cổ vũ phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân...
Báo Bãi Sậy tuy không tồn tại lâu nhưng đã góp phần phê phán, khắc phục tư tưởng sai lầm như: Bi quan, dao động, kém tin tưởng vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc trong một số đảng viên. Sự ra đời của Báo Bãi Sậy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và mong mỏi tha thiết của đảng viên, nhằm phục hồi cơ sở, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh, nêu cao truyền thống yêu nước cho nhân dân. Nhờ đó, quần chúng hăng hái tham gia, ủng hộ Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, làm giao thông liên lạc. Mặc dù kẻ thù ráo riết lùng bắt cán bộ, âm mưu phá vỡ phong trào, nhưng phong trào cách mạng ở Hưng Yên vẫn được duy trì, cơ sở cách mạng được củng cố. Ra đời và tồn tại trong thời gian ngắn, giữa thời kì cách mạng khó khăn, Báo Bãi Sậy đã trở thành công cụ sắc bén có tác dụng lớn tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân, góp phần phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, trước yêu cầu kịp thời kết nối thông tin chiến sự hàng ngày, thông tin về đường lối, chính sách của Đảng tới cơ sở trong khi hoạt động của Báo Cứu Quốc lại khó duy trì thường xuyên, Tỉnh ủy quyết định tái bản Báo Bãi Sậy, đồng thời cử đồng chí Học Phi làm chủ bút cùng một số phóng viên trẻ là các viên chức có trình độ văn hóa tham gia viết, biên tập, xuất bản Báo. Lúc đầu, báo được in tại thị xã Hưng Yên rồi chuyển về làng Tử Dương (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ), sau đó do tình hình chiến sự ác liệt không thể duy trì, Báo Bãi Sậy phải chuyển sang hình thức bản tin.
75 mùa xuân, trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc và miền đất Hưng Yên, với các tên gọi khác nhau, Báo Hưng Yên tự hào luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở từng thời kỳ cách mạng. Báo Hải Hưng thời kỳ sáp nhập tỉnh và đặc biệt hơn 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh (Báo Hưng Yên tái lập tháng 1.1997), đến nay, Báo Hưng Yên không ngừng phát huy truyền thống Bãi Sậy anh hùng, khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên, không ngừng củng cố và lớn mạnh về quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng, hình thức báo. Từ lúc phát hành 1 kỳ/tháng, đến nay, báo được phát hành đều đặn 5 kỳ/tuần với số lượng trên 6.000 tờ báo/kỳ. Báo cũng đa dạng ấn phẩm với loại hình báo in truyền thống, còn phát triển thêm ấn phẩm Hưng Yên hằng tháng và Báo Hưng Yên điện tử đã đáp ứng yêu cầu của thời kì hội nhập và phát triển, thời kì phát triển công nghệ thông tin.
Về hình thức báo, các chuyên mục đa dạng, phong phú với các trang chính về chính trị - xã hội, kinh tế, ngoài các chuyên mục cơ bản như xã luận, vấn đề dư luận quan tâm, tìm hiểu chính sách, pháp luật, ống kính phóng viên, còn có các chuyên mục mang tính đặc thù địa phương, thể hiện sự đi sâu, bám sát và sáng tạo như chuyên mục “Người đảng viên hôm nay”, “Nét đẹp xứ Nhãn”, ....
Về nội dung, chất lượng báo cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao, tổng hợp, phản ánh cơ bản, kịp thời các thông tin thời sự, vấn đề nổi bật, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh tới nhân dân. Ngoài ra, Báo thực hiện tốt việc đẩy mạnh cổ vũ, lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh, điển hình là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt, nội dung báo còn có những phóng sự điều tra, góp phần sáng tỏ những góc khuất của thực trạng đời sống kinh tế - xã hội, vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... qua đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp giúp các cấp, các ngành, các địa phương tháo gỡ khó khăn, xử lý và khắc phục hạn chế, sai phạm...
75 năm xây dựng và phát triển, dù trải qua nhiều khó khăn, biến động nhưng được sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo sát sao, sự động viên kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành cùng đông đảo bạn đọc, Báo Hưng Yên không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp cách mạng của cả nước nói chung, của tỉnh Hưng Yên nói riêng.
Với nhiều cống hiến và thành tích đạt được, Báo Hưng Yên được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ấn tượng hơn cả là báo đã nhận được tình cảm gắn bó yêu mến, đón nhận, tin tưởng và ủng hộ từ cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà. Tình cảm đó là động lực to lớn tiếp sức đội ngũ cán bộ, phóng viên quyết tâm phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng báo, chất lượng phục vụ bạn đọc. Báo Hưng Yên tiếp tục làm tốt chức năng thông tin tuyên truyền để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đi sâu, sáng tỏ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... Qua đó, định hướng dư luận, củng cố niềm tin, giá trị truyền thống về tư tưởng, đạo đức, tác phong trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò cổ vũ, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội, tập trung tuyên truyền nêu gương điển hình tiên tiến, lan tỏa và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, tập thể tốt, các việc làm hiệu quả, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hiến của dân tộc, của địa phương, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. Báo khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao hiểu biết về văn hóa, về trình độ, đặc biệt là nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của người Việt Nam nói chung, người Hưng Yên nói riêng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, mỗi cán bộ, phóng viên cần phát huy hơn nữa vai trò, sức chiến đấu, bản lĩnh cách mạng của người làm báo, người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Nội dung báo cần đi sâu thực tiễn, phản ánh chân thực và đưa ra kiến nghị, giải pháp khách quan có giá trị thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực vì sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của địa phương...
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, rèn luyện đạo đức người làm báo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người làm báo luôn cần xác định rõ: Viết cho ai, tức là xác định đối tượng độc giả để định hướng cách viết gần gũi, phù hợp. Lựa chọn đề tài: Viết về nội dung gì, vấn đề gì? Nội dung vấn đề cần phản ánh phải là vấn đề cần thiết, với tinh thần thái độ trung thực, khách quan, khoa học. Bên cạnh đó, về tư duy phương pháp viết, phương pháp diễn đạt, viết như thế nào, viết làm sao để quảng đại độc giả dễ hiểu, yêu thích, đồng tình. Nhà báo cần định hướng rõ mục tiêu: Viết để làm gì, viết với mục đích gì, làm sao lan tỏa tư tưởng, tình cảm, nhận được đồng cảm, đồng tình ủng hộ từ độc giả...
Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi công nghệ thông tin, truyền thông, mạng internet và nhiều kênh thông tin phát triển như vũ bão...; khi các mạng xã hội trở nên phổ biến với những tác động và hiệu ứng xã hội nhanh, trình độ nhận thức, văn hóa và lối sống của nhân dân ngày càng nâng cao, đa dạng, phức tạp càng đòi hỏi đội ngũ người làm báo cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong cập nhật, xử lý thông tin, góp phần định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết. Trên cơ sở ấy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp.