Đấu thầu, dự án
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 84
Phần 2: Chi bộ đảng đầu tiên được thành lập và phong trào đấu tranh cách mạng (1929 – 9-1939)

Từ năm 1929-1939, với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị (tiền thân của Đảng bộ Hưng Yên) ngày càng phát triển.

2.1 Tình hình xã hội Hưng Yên trước khi có Đảng

Ngày 01-9-1858, Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) đánh dấu quá trình chính thức xâm chiếm Việt Nam.

Sau khi kéo quân ra Bắc kỳ lần 1 (1973), ngày 28-11-1873, tàu chiến của giặc Pháp từ thành Hà Nội theo dòng sông Hồng đánh chiếm thành Hưng Yên. Tuần phủ Tôn Thất Đảm không dám chống cự, bỏ thành cho giặc chiếm. Ngày 28-3-1883, thành Hưng Yên bị hạ.

Bình định xong các tỉnh đồng bằng Bắc kỳ, thực dân Pháp buộc triều đình Huế “công nhận xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ thuộc Pháp” và bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa của mình. Ở Hưng Yên, chúng chia làm hai phủ Khoái Châu (gồm 5 huyện: Khoái Châu, Phù Cừ, Kim Động, Tiên Lữ, Ân Thi) và Mỹ Hào (gồm 3 huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm). Đứng đầu mỗi phủ có một tri phủ, dưới phủ là huyện mà tri huyện là người trực tiếp quản lý. Dưới là một hệ thống các bộ phận giúp việc cho tri phủ và tri huyện như lục sự, thông phán, huấn đạo… Về kinh tế, do Hưng Yên không có hầm mỏ, công nghiệp nên thực dân Pháp đã cưỡng đoạt ruộng đất của nông dân lập đồn điền và phát canh thu tô. Tháng 2-1887, tuần phủ Hưng Yên Hoàng Cao Khải và tri huyện Đông Yên (Khoái Châu) Đặng Đình Trần cướp trên 700 mẫu ruộng của nông dân Khoái Châu, lập 22 ấp mới cho phát canh thu tô. Đặng Thị Huyền chiếm gần 300 mẫu ở ấp 2 thuộc địa phận Nghĩa Trụ, Long Hưng (Văn Giang). Cha con tuần phủ Mai Tầm Xuân chiếm trên 800 mẫu ở Ân Thi…Ngoài việc bị mất đất, nhân dân Hưng Yên nói chung và nhân dân cả nước nói chung còn phải chịu nhiều thứ thuế với mức nộp cao(thuế đinh (2,5 đồng Đông Dương/suất/năm, thuế thổ cư tăng 15%, thuế điền tăng 15%, thuế gia tộc tăng 25%…). Ngoài các thuế trên thì nhân dân còn phải nộp thuế cho ngân sách Đông Dương, ngân sách xứ, ngân sách huyện, ngân sách tổng…

Ngoài ra thực dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn còn đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuộc phiện, cờ bạc. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, phố phường, làng xã nào cũng đầy rẫy những cửa hàng bán rượu, thuốc phiện, tiêm hút. Chỉ tính riêng thị xã Hưng Yên có 5000-6000 dân mà có tới 4 đại lý bán thuốc phiện, 2 nhà tư sản đại lý bán rượu Vạn Vân, Vân Điển, 2 sòng bạc lớn, trên 30 nhà hát ả đào, nhà chứa tại các phố Mộc Sàng, Bến Đá, Phố Hạ. Trong 26 thôn của huyện Văn Lâm có 150 bàn đèn, riêng làng Hoàng Nha có 12 cái. Nhiều người vì nghiện hút mà khuynh gia bại sản phải bỏ làng đi.

Thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị. Cả tỉnh Hưng Yên ta thời kỳ đó chỉ có 1 trường trung học ở thị xã, mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học Việt Pháp. Vì thế, 90­% dân số mù chữ, thôn Nhuận Trạch (Mỹ Văn) có  365 khẩu mà chỉ có 4 người đi học.

Về y tế, cả tỉnh chỉ có 1 bệnh viện ở thị xã, 1 bệnh xã ở Bần Yên Nhân, 1 phòng phát thuốc ở Trương Xá, mỗi huyện có một nhà hộ sinh. Việc phòng bệnh là rất kém nên các dịch bệnh xẩy ra lan tràn trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh đã diễn ra sôi nổi, dưới nhiều hình thức để chống tư bản, quan lại, cường hào cướp ruộng đất, chống sưu cao thuế nặng. Trong đó cuộc đấu tranh lớn nhất, kéo dài nhất của nhân dân các xã Phù Ủng, Bãi Sậy, Vân Du, Xuân Trúc, Đa Lộc (Ân Thi) chống tên thực dân Coócnu cướp 948 mẫu (351 ha) ở cánh đồng Tam Thiên Mẫu. Cuộc đấu tranh kéo dài trong 3 năm 1890-1892, khiến cho thực dân Pháp phải 3 lần thay công sứ, đổi tổng đốc 3 lần, khiến công sứ Hưng Yên Malie bấy giờ phải thú nhận rằng: Trong số nhiều lý do dẫn đến sự phẫn nộ của dân chúng bản xứ thì việc nhượng lại quá sớm những vùng lãnh thổ rộng lớn cho người Âu là một trong những nguyên nhân chính. Cuối cùng, nhà cầm quyền Pháp phải bồi thường tiền cho Coónu diện tích 315 ha ở cánh đồng Tam Thiên Mẫu, cho ông ta vĩnh viễn làm chủ 22 ha ở Hưng Yên cũ để đổi lấy một lô đất ở Hà Nội.

Đây là cuộc đụng độ đầu tiên của nhân dân Bắc kỳ với thực dân xâm lược Pháp. Và phần thắng đã thuộc về những người nông dân.

2.2 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời và phong trào đấu tranh cách mạng (1929-1931)

Chịu tác động của trào lưu tư tưởng mới thông quan các hoạt động  của Nguyễn Ái Quốc và đông đảo Việt kiếu yêu nước ở Pháp và Trung Quốc, phong trào dân tộc Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu phát triển sôi nổi và nhanh chóng chuyển mình sang một giai đoạn mới. Phong trào yêu nước bắt đầu từ trong Nam rồi nhanh chóng lan ra ngoài Bắc và phát triển thành phong trào mang tính toàn quốc, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ đó đã xuất hiện các tổ chức chính trị của thanh niên trí thức, tiêu biểu làHội Phục Việt, Đảng Thanh niên Việt Nam. Được sự tuyên truyền, tổ chức của các đảng này phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân càng bùng lên mạnh mẽ, trong đó nổi bật nhất là phong trào đòi thả Phan Bộ Châu và để tang Phan Chu Trinh.

Hoà trong khi thế sôi sục chống thực dân của nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Yên cũng đứng lên đấu tranh. Tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh ở thị xã Hưng Yên và Khoái Châu đòi thả Phan Bội Châu trong năm 1925 và đòi để tang Phan Châu Trinh trong năm 1926. Trong hai năm 1928-1929, một số nơi như ở Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm có một số người tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học thành lập.

Cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc, cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội về gây dựng cơ sở ở Sài Thị. Sau đó (cũng trong năm 1928) chi bộ Việt Nam thanh niên cách Sài Thị được thành lập (gồm 7 đồng chí: Nguyễn Ngọc Cửu, Nguyễn Khắc Châu, Nguyễn Khắc Cần, Vũ Văn Hồ, Trịnh Đình Ấn, Đào Văn Đoán, Trần Đình Vọng) – đây là chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Hưng Yên.

Sau khi thành lập, chi bộ đã có những hoạt động tích cực như in ấn tài liệu, giải truyền đơn tuyên truyền, tổ chức treo cờ Đảng ở nhiều nơi như Sài Thị (Khoái Châu), chợ Trương Xá (Kim Động), chợ Đìa (Ân Thi)… Ngoài ra chị bộ còn tổ chức cho đảng viên học tập cuốn “Đường Kách mệnh” của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi từ nước ngoài về và các sách “Tiếng súng đêm đông”, “Chính sách giặc Pháp”, “Tán Thuật”…

Với sự tuyên truyền mạnh mẽ, thường xuyên của chi bộ đã gieo vào lòng nhân dân Hưng Yên niềm tin chủ nghĩa cộng sản sẽ giành cơm áo, độc lập, tự do cho dân tộc mình. Trước phong trào đấu tranh đó của nhân dân Hưng Yên, giặc Pháp đã cử ngay tên Vi Văn Định về làm tuần phủ tỉnh Hưng Yên, một tên tàn bạo đã đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ở nhiều tỉnh.

Tuy nhiên, với lòng dũng cảm, mưu trí và được sự ủng hộ của nhân dân, cơ sở cách mạng của ta vẫn được an toàn. Đến cuối năm 1929, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Sài Thị chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của Hưng Yên.

Từ ngày 3 đến ngày mùng 07-02-1930, được sự uỷ nhiệm của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, đến tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Với sự ra đời của Đảng Cộng Sản Đông Dương đã mở ra vận hội mới cho giai cấp công nhân Việt Nam cũng như toàn dân tộc Việt Nam.

Sau hội nghị, cấp trên đã về Sài Thị chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Sau khi được thành lập, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị đã lãnh đạo nhân dân Hưng Yên đất tranh trong thời kỳ mới, thời kỳ có Đảng.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản tháng 1-1936 và dựa vào tình hình biến chuyển trên trường quốc tế và Mặt trận nhân dân Pháp, ngày 26-7-1936, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã mở Hội nghị họp tai Thương Hải (Trung Quốc). Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi bao gồm các giai cấp, các đảng phái đoàn thể chính trị và tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau đấu tranh đòi những quyền lợi đơn sơ: Tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do đi lại, xuất bản, mở rộng viện dân biểu, các cơ quan kinh tế, tài chính… Nghị quyết của ban Chấp hành được triển khai nhanh chóng trong toàn quốc.

Tại Hưng Yên, đồng chí Trần Cung ở Côn Đảo đã về xây dựng lại cơ sở Đa Lộc (Ân Thi). Từ cơ sở này đồng chí phát triển ra các thôn Thổ Cốc, Hoàng Xuyên, Từ Ô thành lập các hội Tương tế, Ái hữu. Giữa năm 1936, cơ sở Ngu Nhuế (sau đổi thanh TânNhuế - Văn Lâm) được thành lập đã tổ chức cuộc đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng ở Văn Lâm. Đồng chí Tô Hiệu thành lập ở Văn Giang hội Truyền bá quốc ngữ, hội Tương tế, hội tập võ… vận động quần chúng nhân dân đòi kỳ hào phải cải tổ hương thôn, chống hủ lậu, chống thụ phu lạm bổ giành thắng lợi. Cuối năm 1937, đầu năm 1938 một số thanh niên tiến bộ ở Như Quỳnh (Văn Lâm) đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên dân chủ. Thanh niên ở một số đoàn thể khác như Mai Vi, Chất… được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2-1938, chi bộ ghép Liễu Khê - Liễu Ngạn - Ngu Nhuế được thành lập. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của Văn Lâm.

Ở Kim Đông, Tiên Lữ dấy lên phong trào đấu tranh thành lập “giáp cải lương”, chống hủ tục mê tín. Ở Ân thi, cơ sở Đa Lộc vận động nhân dân đấu tranh với cường hào đòi chia lại phe giáp, không nộp thuế cho lý trưởng… Thời kỳ này ở Ân Thi, Kim Động chưa có tổ chức đảng song một số đảng viên được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ uỷ đã chỉ đạo các hội Tương tế, Nông hội, Phụ nữ tổ chức nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi

Từ năm 1929-1939, với sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị (tiền thân của Đảng bộ Hưng Yên) ngày càng phát triển. Quán triệt đường lối, phương châm hoạt động cách mạng của Đảng, tổ chức phát động quần chúng đấu tranh chống phụ thu lạm bổ, chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu đi lính, đòi quyền lợi kinh tế hàng ngày… Chi bộ đã biết đề ra những chủ trương, biện pháp tuyên truyền vận động quần chúng phù hợp với đặc điểm của địa phương nên đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia cách mạng, uy tín của Đảng ngày càng ăn sâu vào quần chúng và trở thành niềm tin của nhân dân trong tỉnh.

Tin liên quan