Đấu thầu, dự án
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 79
Phần 3: Đảng bộ Hưng Yên được thành lập lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền (10/1939 – 8/1945)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Hưng Yên là sự đóng góp chung của Đảng bộ và nhân dân địa phương vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước, cuộc cách mạng đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

3.1 Thành lập Mặt trận dân tộc phản đế và sự ra đời của các chi bộ (10-1939 – 5-1941)

Ngày 01-9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tình hình thế giới lúc này diễn biến phức tạp. Gánh nặng chiến tranh, bọn đế quốc Pháp chủ yếu trút lên đầu nhân dân thuộc địa. Ở Đông Dương, bọn phản động thuộc địa một mặt ra sức vơ vét người và của để cung cấp cho chiến tranh ở chính quốc; tước bỏ quyền tự do dân chủ của nhân dân thuộc địa; tăng cường đàn áp các phong trào đấu tranh… Mặt khác thực dân Pháp lại mưu toan đầu hàng, thoả hiệp với phát xít Nhật.

Tháng 6-1940, thực dân Pháp đã đầu hàng Phát xít Đức, lợi dụng tình thế đó phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Tháng 9-1940, thực dân Pháp dâng Đông Dương cho Nhật. Vây là từ đây nhân dân Đông Dương phải sống dưới ách một cổ hai tròng. Trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Đông Dương nói chung đã đứng lên đấu tranh ở khắp mọi nơi, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Nhận thấy tình hình thế giới và trong nước có sự thay đổi, Ban Chấp hành Trung ương đã phải kiện toàn lại và họp vào tháng 11-1940. Hội nghị bàn về nhiẹm vụ trước mắt của cách mạng ở Đông Dương, Hội nghị đã xác định kẻ thù chính lúc này của dân tộc ta là bọn phát xít Nhật – Pháp và bè lũ tay sai của chúng và tiếp tục khẳng định nhiệm vụ trước mắt của Đảng là chuẩn bị cuộc “võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập” và quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn – Võ Nhai.

Ngày 28-01-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về nước chỉ đạo và trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước.

Tháng 5-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tám, quyết định ở mỗi nước phải thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Ở nước ta thành lâp Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Với sự ra đời của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh đây chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng của Đảng ta.

Cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Yên lúc này dang phải sống cuộc sống điêu đứng, nghẹt thở. Đời sống của người dân gặp phải nhiều khó khăn về cả vật chất và tinh thần. Từ thảm cảnh sống điêu đứng đó, nhân dân trong tỉnh trước hết là tầng lớp thanh niên tiên tiến càng căm thù địch, họ nhận thấy phải đứng lên làm cách mạng mới tìm được lối thoát. Đó chính là điều kiện khách quan, rất thuận lợi cho việc thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng trong thời kỳ mới, cho việc phát triển phong trào ở địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động, từ 1940-1941 phong trào đấu tranh của nhân dân Hưng Yên đã có những bước phát triển vượt bậc, lan rộng khắp tỉnh từ Ân Thi, Kim Động tới Mỹ Hào, Văn Lâm, xuống Phù Cừ, Tiên Lữ với nhiều hình thức khác nhau: rải truyền đơn ở Chợ Gò, chợ Trương (Kim Động)…; mít tinh ban đên tại cánh đồng Giành (Ân Thi), Chợ Keo (Văn Lâm)…; thành lập các hội như Thanh niên phản đế, phụ nữ giải phóng, nông dân phản đế… (Ân thi, Văn Lâm, Kim Động, Phù Cừ là những huyện có cơ sở quần chúng khá đông đảo); tiến hành luyện tập quân sự rầm rộ ở các thôn như Ngải Dương (Văn Lâm), Đại Duy (Phù Cừ), Phán Thuỷ (Kim Động)…

Trong quá trình đấu tranh cách mạng đã xuất hiện những phần tử tích cực, ưu tú trong phong trào cách mạng của tỉnh. Chính trên cơ sở đó, đầu năm 1941, trên địa bàn tỉnh đã lần lượt ra đời các chi bộ đảng. Đầu tiên là chi bộ ghép Nhân Dục (Kim Động) - thị xã Hưng Yên được thành lập tháng 2-1941; chi bộ ghép Quế Lâm - Ải Quan (Phù Cừ); chi bộ ghép Ninh Thôn – Trai Thôn (Ân Thi). Đến giữa năm 1941, chi bộ Ngải Dương (Văn Lâm) được đảng bộ Bắc Ninh giới thiệu về. Số đảng viên trong tỉnh lúc này là 15 đồng chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, ưu điểm trong việc tổ chức, hướng dẫn, vận động, xây dựng phong trào cũng còn có những tồn tại khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện những nhiệm vụ như chưa tạo được cơ sở ở huyện Khoái Châu, Tiên Lữ; chưa thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia vào tổ chức; chưa chú ý đúng mức tới đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế thiết thực cho quần chúng. Trong việc chấp hành nguyên tắc bí mật còn lui tới những nơi đã bị lộ; bệnh chủ quan trong cán bộ và quần chúng cách mạng. Chính vì vậy, đã làm ảnh hưởng không ít tới việc giữ bí mật, tới tinh thần cảnh giác trước âm mưu của địch.

3.2 Tỉnh uỷ được thành lập. Phong trào cách mạng Hưng Yên từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám (6-1941 – 12-1943)

Phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ hơn nhưng chưa đề khắp, các tổ chức vẫn chưa thống nhất vào một mối. Chính vì vậy, lúc này đòi hỏi cần phải có một cơ quan lãnh đạo chung các hoạt động của tỉnh. Đầu tháng 7-1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và xứ uỷ, tỉnh đã mở Hội nghị các chi bộ Đảng ở Ninh Thôn (Ân Thi). Hội nghị đã bàn bạc và thống nhất quyết định những vấn đề chính:
-         Chuyển Mặt trận phản đế thành Mặt trận Việt Minh và gây dựng thêm cơ sở mới, chắp lại những mối cũ, mở rộng những cơ sở sẵn có.
-         Vận động quần chúng đấu tranh (đặc biệt ủng hộ phong trào du kích Bắc Sơn)
-         Tích cực chống khủng bố của địch, lúc này địch tập trung khủng bố một số cơ sở ở huyện Kim Động như Tạ Xá Thượng, Phán Thuỷ; địch bắt đồng chí Nguyễn Văn Trạch (tức Hồng Quảng) và một số hội vien phản đế.
-         Hội nghị cử được Ban Chấp hành lâm thời có 5 đồng chí: Liệu, Vũ, Biểu, Thọ, Ái. Đồng chí Liệu (Nguyễn Thanh Liệu) được cử làm Bí thư.
Hội nghị thống nhất các lực lượng trong tỉnh ở ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử cực kỳ quan trọng, đây là sự đánh dấu bước phát triển cao của phong trào phản đế ở địa phương, là kết quả của sự bền bỉ vận động quần chúng. Nó là mốc đánh dấu việc chính thức thành lạp Đảng bộ của tỉnh Hưng Yên thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của tỉnh, từ sau chi bộ Đảng đầu tiên ra đời vào cuối năm 1929. Đây chính là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ mới.

Sau Hội nghị Ninh Thôn, dưới sự chỉ đạo tập trung của Ban Tỉnh uỷ lâm thời, phong trào tiếp tục phát triển với một khí thế mới. Tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, tư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi cho đông bào toàn quốc, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh… đã động viên được nhiều lực lượng trong cuộc đấu tranh cách mạng ngày càng quyết liệt, tạo thêm thuận lợi mới cho việc thực hiện các quyết định của Hội nghị Ninh Thôn. Các chi bộ Đảng đã tích cực chuyển phong trào phản đế thành phong trào cứu quốc. Đã phát triển thêm cơ sở mới vào thôn Văn Nhuệ (Ân Thi), Mễ Sở (Văn Giang), mở rộng các cơ sở sẵn có ở khu nam Ân thi, bắc Phù Cừ…

Phong trào cách mạng ở tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc sau hai năm chuyển vào hoạt động bí mật. Sau vụ khủng bố Tạ Xá Thượng và Phán Thuỷ (Kim Động), ở Hưng Yên, phong trào khu vực nam Ân Thi và Bắc Phù Cừ vẫn tiếp tục phát triển. Các cơ sở của Kim Động, nhất là Nhân Dục vẫn phải sắp xếp bố trí chỗ ăn ở, làm việc cho anh em. Bộ phận Ban cán sự liên tỉnh trước đây đóng ở Kim Động, nay chuyển tới Ân Thi.

Sau phong trào cách mạng của du kích Đình Cả, Bắc Sơn địch liên tiếp tập trung vào việc đàn áp phong trào, làm cho phong trào cách mạng ở Đình Cả, Bắc Sơn tạm thời lắng xuống. Tháng 11-1941, địch tiếp tục khủng bố ở Nhân Dục (Hưng Yên). Đây là những việc làm mở đầu cho cuộc khủng bố lớn của địch đối với phong trào cách mạng của tỉnh. Chi trong vòng hơn nửa năm, các cơ sở tương đối mạnh như Nhân Dục (thị xã Hưng Yên), Phượng Lâu, Tiên Cầu (Kim Động), Ninh Thôn, La Chàng, Cẩm La, Trai Thôn, Chợ Thi (Ân Thi), Đại Duy (Phù Cừ), Ngải Dương (Văn Lâm) lần lượt bị phá vỡ. Một số đồng chí bị địch bắt, một số cơ sở tạm thời ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, một số cán bộ địa phương thấm nhuần Nghị quyết Hội nghị Ninh Thôn đã tích cực chống khủng bố, kiên cương hoạt động, tuy tạm lánh địch song vẫn tích cực hoạt động, phát triển cơ sở mới, tìm cách lien lạc để hướng dẫn nhân dân chống địch khủng bố. Mặt khác, do có sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân nên một vài cơ sở cũ như Dương Phú (Kim Động) vẫn giữ được nguyên vẹn. Một số cơ sở mới như Trung Hoà (Yên Mỹ), Thổ Cầu (Ân Thi), Đặng Cầu (Tiên Lữ) đã được gây dựng thêm. Đây là những cơ sở là chỗ đứng, là bàn đạp cho việc khôi phục và phát triển cơ sở sau này.

Ở trong tù, một số cán bộ, đảng viên cùng quần chúng cách mạng bị giam giữ cũng không ngừng đấu tranh với địch. Ngay từ những ngày đầu bị giam, họ đã chăm lo củng cố tinh thần, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh để đối phó với những thủ đoạn của địch. Được sự chỉ huy thống nhất, có kế hoạch cụ thể, nhờ vào sức mạnh đoàn kết tập thể các cuộc đấu tranh nói chung đều thu được những kết quả thiết thưc. Bọn cẩm và nhà thầu không còn dám cắt bớt phần ăn của anh em, hàng ngày anh chị em tù có thì giờ ra bên ngoài hít thở… đây chính là điều kiện cho họ giác ngộ tầng lớp binh lính, sỹ quan và thường phạm.

Ngày 17-8-1942, địch đưa các tù chính trị ra xét xử, buổi xét xử biến thành buổi lên án tội ác của giặc Pháp và tay sai. Các đồng chí cách mạng của ta đã dũng cảm vạch trần tội ác của bọn thực dân, phát xít. Đồng thời kêu gọi đông bào cùng nhau đoàn kết đánh đuổi Nhật – Pháp. Mặc cho chúng điên cuồng đàn áp, các đồng chí không hề run sợ vẫn cất cao bài “Quốc tế ca”, người dân hôm ấy không thể quên được lời nói đanh thép của đồng chí Cao Văn Thung với địch “Bay không thể ở lâu trên đất này, mà hòng cầm tù được hết đời tao. Rõ ràng, nhà tù đế quốc có hà khắc đến mấy cũng không thể bóp chết được tinh thần chiến đấu của người cách mạng, của các chiến sỹ cộng sản.

Trong cuộc khủng bố kéo dài từ cuối năm 1941 đến giữa năm 1942 của đich, cách mạng của ta tuy có bị thiệt hại về tổ chức, người và của song cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vẫn thể hiện được tinh thần chủ động tiến công cách mạng, phát triển thêm cơ sở mới, tranh thủ tuyên truyền ảnh hưởng của cách mạng. Trog khi phong trào cách mạng của tỉnh đang gặp phải nhiều khó khăn thì được đồng chí Hoàng Quốc Việt về kiểm tra tình hình và trực tiếp chỉ đạo phong trào. Một số đồng chí được cử thêm về hoạt động nhằm khôi phục lại cơ sở cách mạng bị mất hoặc bị yếu do địch khủng bố như đồng chí Ninh (tức Thu Trà), đồng chí Đông (tức Trần Ngôn Tri), đồng chí Nghĩa… Cơ sở cách mạng Hưng Yên đã nhanh chóng được khôi phục, củng cố và mở rộng thêm ở các thôn Dưỡng Phú (Kim Động), Đặng Cầu (Tiên Lữ), Nhạc Miếu (Văn Lâm)… Đảng bộ tỉnh được củng cố, chi bộ ghép Dưỡng Phú – Tiên Cầu (Kim Động) được thành lập. Sinh hoạt của các đoàn thể dần dần được trở lại đều đặn hơn.

Cuối năm 1942 đầu năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến tích cực có lợi cho ta. Lúc nay, Nhật đang gặp khó khăn trong chiến tranh xâm lược Trung Quốc và Thái Bình Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương ngày càng gay gắt. Trong nước, tình hình lúc này đang có nhiều thuận lợi cho phong trao cách mạng. Cơ sở cách mạng trong tỉnh được khôi phục, lòng tin của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng được củng cố. Hàng loạt các cuộc đấu tranh lớn nhỏ nổ ra ở các huyện Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ để tố cáo tội ác của Nhật – Pháp, đòi quyền lợi cho người dân. Đầu năm 1943, nhờ có sự giúp đỡ của Xứ uỷ, Ban cán sự tỉnh được thành lập gồm các đồng chí Ba Châu là trưởng ban các sự, các đồng chí Hồng, Nghi (Thuận), Tâm (Nguyên Quyết) là uỷ viên dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 3-1943), các địa phương phải đặt mình trong tình thế khẩn cấp, tích cực hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị khởi nghĩa. Ban cán sự tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ công tác sau:

-         Nhanh chóng phục hồi các cơ sở đã bị khủng bố, xây dựng lại phong trào.
-         Phát triển cơ sở mới trong các sư, tiểu, vãi ở các chùa chiền, từ chùa phát triển vào các làng, xóm, tổ chức các đoàn thể quần chúng Việt Minh.
-         Bắt mối với các tù chính trị bị quản thúc ở các địa phương để tiếp tục giao công tác.
-         Trong phát triển cơ sở mới chú trọng gây dựng cơ sở vào trong thị xã Hưng Yên, các thị trấn Mỹ Hào, Bần, Yên Nhân, Yên Mỹ.
-         Huấn luyện về chương trình Việt Minh các bước công tác tuyên truyền, tổ chức và cách thức đấu tranh. Huấn luyện công tác bí mật để quần chúng tiếp tục chống khủng bố.
Nhờ việc đẩy mạnh công tác bí mật, quần chúng được tuyên truyền giác ngộ ngày càng có cảm tình với Việt Minh, hăng hái tham gia, ủng hộ Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, làm giao thông liên lạc… nên mặc dù bị kẻ thù ráo riết săn lùng nhưng phong trào cách mạng Hưng Yên vẫn được duy trì và cơ sở cách mạng được củng cố.
Để tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh, nêu cao truyền thống yêu nước cho nhân dân, Ban cán sự tỉnh Hưng Yên đã ra tờ báo Bãi Sậy lưu hành rộng rãi trong tỉnh. Báo Bãi Sậy ra đời đã có nhiều tác động lớn đối với cách mạng. Nó không chỉ nêu cao truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân tỉnh Hưng Yên, kịp thời thông báo tình hình thế giới cho nhân dân biết mà còn tố cáo tội ác của Nhật nhằm khơi sâu lòng căm thù địch, xây dựng lòng tin của nhân vào Đảng, vào con đường Người đã chọn cho dân tộc ta.

3.3 Khôi phục phong trào cách mạng, mở rộng Mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng vũ trang (1-1944 - 3-1945)

Cuối năm 1943 đầu năm 1944, do yêu cầu cấp bách của phong đang phát triển, một số cán bộ lãnh đạo của tỉnh bị lộ được chuyển đi nơi khác, Ban cán sự của tỉnh còn laị một số đồng chí do đồng chí Lương Hiền phụ trách. Xứ uỷ chỉ định đồng chí Bang (Lê Liêm) về chỉ đạo và giúp đỡ phong trào Hưng Yên.

Thực hiện Nghị quyết của Xứ uỷ tháng 11-1943, Ban cán sự tỉnh đã phân tích và đánh giá phong trào cách mạng trong tỉnh như sau:
-         Phong trào bước đầu đã có sự phát triển nhưng chưa đều, phía nam tỉnh có phong trào mạnh hơn, sau khủng bố Đăng Cầu địch vẫn tập trung nhòm ngó.
-         Lúc này địch vẫn tăng cường cướp thóc lúa bắt dân nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu… đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người phải bỏ làng đi tha phương cầu thực ngày càng đông.
Lòng căm thù phát xít Nhật - thực dân Pháp và bè lũ tay sai ngày càng sục sôi trong lòng nhân dân khi tình hình thế giới có nhiều thay đổi tích cực cho ta, quân Liên Xô và phe Đồng minh đã có những chiến thắng dồn dập. Trước tình hình đó Ban cán sự tỉnh đã có chủ trương lập khu an toàn, mở rộng hơn nữa các tổ chức cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự, chú trọng công tác binh vận. Phải mạnh dạn đưa người vào tổ chức của giặc để tranh thủ quần chúng đặc biện là bộ phận thanh niên. Ban can sự tỉnh cũng chỉ ra rằng thời kỳ này chủ yếu dùng hình thức đấu tranh tuyên truyền, rải truyền đơn, treo cờ, mít tinh…

Được sự giúp đỡ của các đồng chí Xứ uỷ, Khu an toàn Bãi Sậy được hình thành bao gồm vùng giáp giới của ba huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, lấy Bần là trung tâm, do đồng chí Bang trực tiếp chỉ đạo. An toàn khu Bãi Sậy còn là cơ sở liên lạc với khu nam Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh. Nguyên tắc của an toàn khu là chú trọng gây dựng, phát triển cơ sở là chính, không đấu tranh công khai. Uỷ ban vận động Việt Minh khu Bãi Sậy được thành lập và chỉ đạo việc xây dựng, phát triển cơ sở khu.

Trong lúc Khu an toàn Bãi Sậy hoạt động tích cực và giữ được bí mật, theo phương châm hoạt động riêng của khu an toàn, các địa phương khác trong tỉnh cũng tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của mình mà đẩy nhanh các hoạt động đấu tranh. Các hoạt động trong thời gian này của tỉnh đã khá hơn cả về quy mô và hình thức thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào các hội như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc. Quần chúng không những được tổ chức mà còn được Đảng bộ chăm lo giáo dục, rèn luyện, hướng dẫn hoạt động đấu tranh. Từ đó, nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân đã diễn ra. Cuộc mít tinh ở Phố Giác (Tiên Lữ) với hàng trăm người nhân ngày kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cuộc mit tinh ban đêm ở cánh đồng Khê Than (Ân Thi), ở bãi Đồng Lý (Kim Động), ở đường 39A… tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân xã Liên Phương (Tiên Lữ), nhân dân Phù Cừ đòi xà phòng, diêm, muối, quỵt tiền công, hạ giá thành sản phẩm…
Đi đôi với việc xây dựng lực lượng chính trị, các địa phương trong tỉnh còn chú ý, quan tâm tới việc xây dựng lực lượng vũ trang. Các đội viên không những được huấn luyện về chính trị, mà còn được phổ biến kinh nghiệm, chiến thuật đánh địch. Các lớp huấn luyện quân sự được mở ra ở nhiều nơi để trao đổi những kinh nghiệm, phương pháp hoạt động quân sự cho anh em. Các đội tự vệ đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ các cuộc họp, các cuộc mít tinh…
Với những cố gắng trên các mặt hoạt động của Khu Bãi Sậy và các địa phương đã thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong thời gian này. Đó là việc chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang. Kết quả đáng kể là đã thực sự tạo nên một phong trào quần chúng đấu tranh tương đối đều khắp, tương đối mạnh, tình trạng phát triển không đều cơ bản đã được khắc phục.

3.4 Kháng Nhật cứu nước. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (4-1945 – 8-1945)

Đầu năm 1945 cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ở vào giai đoạn cuối, chiến thắng phần lớn thuộc về phe quân Đồng minh chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc đã có tác động mạnh mẽ, cổ vũ phong trào cách mạng Đông Dương nói chung và của Việt Nam nói riêng. Đứng trước sự kiện ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng nhận thấy kẻ thù chính trước mắt của nhân dân Đông Dương và nhân dân Việt Nam là phát xít Nhật. Dựa trên tình hình cụ thể của đất nước, Trung ương Đảng đã kịp thời ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” cho toàn Đảng. Chỉ thị vạch rõ: Đảo chính gây ra một cuôc khủng hoảng chính trị sâu sắc, ta đã có những cơ hội tốt, tạo điều kiện khởi nghĩa mau chóng chín muồi, các hoạt động phải mạnh dạn, chuyển qua các hình thức mới cho phù hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, động vien mau chóng quần chúng mạnh dạn tiến lên tổng khởi nghĩa. Đó là phương hướng hành động cụ thể, rõ ràng cho toàn Đảng. Vấn đề chỉ còn tính điểm xuất phát của mỗi tỉnh sao cho đúng, hợp với tình hình của mình, mà phải chớp được thời cơ một cách sáng tạo.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương, cao rào kháng Nhật cứu nước được tiến hành khẩn trương trong cả nước. Tình hình Hưng Yên đã có những thay đổi mới. Giặc Pháp cùng tay sai hoang mang, có nhưng địa phương chúng đã cho bỏ súng lại để chờ nộp cho giặc Nhật. Một số ít quan lại, viên chức đã lộ rõ Đại Việt thân Nhật. Tuy nhiên, những vấn đề đó không được chính quyền chú ý giải quyết mà ngược lại chúng chỉ tập trung chú ý đến việc vơ vét của cải và bóc lột nhân dân bằng những thứ thuế vô lý làm cho nền kinh tế Hưng Yên suy sụp, đời sống nhân dân thì điêu đứng. Tâm lý bất bình đối với giặc Nhật và tay sai đã bao trùn lên các tầng lớp nhân dân, họ thực sự có cảm tình với Việt Minh và ngả về phía Việt Minh. Những thay đổi to lớn đó đã đem tới khả năng thực tế to lớn cho việc mau chóng chuyển phong trào cách mạng của tỉnh lên thành cao trào. Xuất phát từ thực tế địa phương, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, Ban cán sự tỉnh đã đề ra các chủ trương: Phát triển cách mạng các cơ sở Việt Minh, chú trọng hơn nữa việc xây dựng các đội tự vệ, mua sắm vũ khí, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa.

Hoạt động mở đầu thắng lợi, đánh dấu một thời kỳ hoạt động mới của khu Bãi Sậy, cũng là của toàn tỉnh là trận đánh đồn Bần đêm 12-3-1945. Trạn tấn công đồn Bần lần thứ nhất giành thắng lợi to lớn do ta đã biết chớp thời cơ thuận lợi, dùng lối đánh du kích kết hợp chủ động tiến công ở bên ngoài. Thắng lợi đầu tiên này đã có ảnh hưởng rất lớn trên nhiều mặt: quần chúng nhân dân tin tưởng vào lực lượng Việt Minh, tin vào cách mạng, tin vào khả năng của ta có thể đánh địch bằng nửa vũ trang, nên quần chúng càng hăng hái tham gia chống Nhật. Bọn địch thì hoang mang lo sợ. Phạm vi ảnh hưởng không chỉ trong tỉnh mà còn lan rộng ra các tỉnh xung quanh. Trận đánh đồn Bần đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh là “trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng”. Với trận đánh này, ảnh hưởng của khu an toàn Bãi Sậy đã vượt ra ngoài địa phương, mở đầu cho việc mạnh dạn chuyển qua những hình thức mới, phù hợp với thời kỳ tièn khởi nghĩa, phong trào toàn tỉnh chuyển lên cao trào kháng Nhật cứu nước, với một khí thế cách mạng sôi nổi và mạnh mẽ chưa từng thấy. Giờ đây, các cuộc đấu tranh của nhân dân không chỉ có sự liên kết trong làng, xã, tỉnh mà còn có sự liên kết giữa các tổ chức với nhau. Đảng viên và cán bộ cốt cán Việt Minh đã hô hào không nộp thuế cho giặc, phá kho thóc của Nhật. Mở đầu là việc phá kho thóc Nhật ở Giai Phạm (Yên Mỹ), Bần (Mỹ Hào), Đống Long (Kim Động). Tin phá kho thóc chia cho dân nghèo lan đi nhanh, kích thích quần chúng nhân dân khắp nơi sôi sục hành động. Cùng với việc đấu tranh chống thuế, phá kho thóc để gấp rút giải quyết nạn đói, Việt Minh ở các huyện thị đã tổ chức các cuộc diễn thuyết xung phong, những cuộc tuần hành và mít tinh ở nhiều nơi nhằm tố cáo tôi ác của Nhật và tay sai. Việt Minh còn tổ chức các cuộc tuần hành, quần chúng mang theo cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật”, “Chính quyền về tay nhân dân cách mạng”, “Không một hạt thóc, một xu thuế cho địch”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”. Đó là những cuộc tuần hành từ làng Giang qua thôn Mát về Cầu Mụa, từ Ngọc Nhuế qua Đào Xá, Kênh Bối, Thổ Hoàng về Đọ, từ Như Quỳnh sang Ngô Xuyên, từ Văn Lâm qua Mỹ Hào sang phố Lạng. Có cuộc tuần hành dài hàng mấy cây số, đông đến hàng nghìn người.

Khí thế cách mạng của quần chúng được nâng cao, uy tín của Việt Minh ngày càng sâu rộng, những phần tử tiên tiến trong quần chúng xuất hiện, sẵn sàng chờ đón hoặc chủ động tìm đến cán bộ Việt Minh. Việc mở rộng các tổ chức của các đoàn thể trong mặt trận, đặc biệt là các đoàn thể cứu quốc ngày càng thêm thuận lợi. Những cơ sở cũ được phục hồi, cơ sở mới thì không ngừng được tăng lên. Các tổ chức chính trị được củng cố, phát triển tạo điều kiện thuận lợi, để đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng lực lượng nửa vũ trang chuẩn bị kcho khởi nghĩa vũ trang. Các đội viên được rèn luyện qua các cuộc mít tinh, biểu tình, trong các hoạt động vũ trang đơn lẻ, trong công tác vũ trang, học lớp quân sự ở Hà Nam. Ngoài vũ khí chủ yếu là cướp được của địch ở trận Đồn Bần, Việt Minh ở các địa phương đã tiến hành mua sắm vũ khí bằng nhiều cách linh hoạt: Vận động quyên góp tiền mua súng, thuyết phục mượn súng săn trong nhân dân, mở lò rèn để đánh dao găm, mã tấu.

Các hoạt động sôi nổi, kiên quyết, nhịp nhàng trên các mặt của lực lượng cứu quốc khu Bãi Sậy, cùng các huyện trong tỉnh đã tác động thúc đẩy lẫn nhau, tạo thành cao trào kháng Nhật cứu nước với khí thế sục sôi, mạnh mẽ. Tháng 5-1945, tỉnh kịp thời thống nhất lực lượng của khu Bãi Sậy với phong trào toàn tỉnh, Uỷ ban Việt Minh được thành lập lấy tên là Uỷ ban Việt Minh tỉnh Tán Thuật, đồng chí Lương Hiền là Chủ tịch. Với danh nghĩa công khai ấy, Ban cán sự tỉnh thực hiện sự lãnh đạo và chỉ đạo thống nhất đối với toàn bộ phong trào, việc thống nhất các lực lượng có ý nghĩa, tác dụng quan trọng vào việc tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy phong trào của các địa phương trong tỉnh, từ nông thôn tới thị xã, từ bắc tới nam tỉnh đều hoạt động thống nhất, mạnh mẽ và đều đặn. Việc thống nhất lực lượng đã đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào Cứu quốc ở Hưng Yên, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cao trào cách mạng địa phương đang phát triển mạnh, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, song do một số cán bộ còn có tư tưởng cục bộ, nên việc thống nhất lực lượng ở một số huyện còn gặp nhièu khó khăn (Văn Lâm, Khoái Châu, Ân Thi). Việc hợp tác giữa Cứu quốc quân với Đảng dân chủ mới chỉ được thực hiện ở bên dưới, chưa có sự thống nhất giữa những người phụ trách. Những thiếu sót đó đã gây cản trở nhất định cho bước tiến cũng như quy mô của phong trào.

Cao trào kháng Nhật cứu nước vẫn được tiếp tục tiến triển trong những tháng 7 và 8-1945. Việc chuẩn bị mọi việc đã được tiến hành khẩn trương. Với sự quyết tâm của đản viên, cốt cán, Việt Minh từ tỉnh tới cơ sở, những nhược điểm được khắc phục, cơ sở ở thành thị được phát triển đều khắp, số lượng quần chúng trong các tổ chức được tăng lên. Đầu tháng 8-1945, Việt Minh một số nơi đã gấp rút, bí mật chuẩn bị những trận đánh úp huyện.

Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Tại Đông Dương, quân đội Nhật hoang mang cao độ, chính quyền bù nhìn bị tê liệt. Thời cơ lịch sử đã đến, ngay đêm 13-8-1945, lệnh tổng khởi nghĩa của Uỷ ban khởi nghĩa được truyền đi.

Ngày 14 và ngày 15 tháng 8-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp, Quốc dân đại hội họp ngày 16 và 17 tháng 8-1945 ở Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật. Thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời), đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Người gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến, toàn quốc đồng bào hày đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Ngày 16-8-1945, Kỳ bộ Việt Minh ra thông báo khẩn cấp gửi các đồng chí chỉ huy các tỉnh. Trong đó điều quyết định khẩn cấp số một là tước khí giới và chiếm các tỉnh lỵ.
          Trước những chuyển biến quá nhanh chóng của tình hình chung, Đảng bộ tỉnh nóng lòng chờ đợi trông ngóng lệnh khởi nghĩa của trên, để kịp thời đưa quân nổi dậy. Lực lượng của ta đã theo dõi, nắm sát được tình hình địch ở địa phương. Các cơ sở đảng Việt Minh nhiêu huyện đã dựa vào chỉ thị ngày 12-3-1945 của Trung ương Đảng chủ động tổ chức nhân dân nổi dậy tấn công vào các phủ huyện đường, tước vũ khí, hồ sơ, sổ sách của địch.
          Ngày 18-8-1945, tỉnh Hưng Yên mới nhận được lệnh khởi nghĩa. Ban cán sự tỉnh cấp tốc mở hội nghị tại Thổ Cốc (Yên Mỹ) quyết đinh: “Những nơi đã đánh úp huyện thì tổ chức mít tinh quần chúng, giải tán chính quyề địch, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, những nơi khác tiếp tục khởi nghĩa bằng biểu tình vũ trang của quần chúng. Ngày 22-8-1945 sẽ tổ chức tổng biểu tình, huy động lực lượng tự vệ, hội viên cứu quốc và đông đảo quần chúng nhân dân về chiếm tỉnh lỵ”. Nghị quyết của Ban cán sự tỉnh đã có tác dụng quan trọng trong việc hoàn thành quá trình khởi nghĩa của Hưng Yên.
          Với khí thế thắng lợi của trận đánh úp Phù Cừ, chỉ trong vòng có 4 ngày từ 14 đến 18-8-1945, chính quyền địch đã bị Việt Minh đánh liên tiếp tại các huyện Phù Cừ, Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi, tước được nhiều vũ khí chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang. Với những thắng lợi của hoạt động mở màn, trong tỉnh đã xuất hiện tình thế mới: Quần chúng cách mạng vô cùng phấn khởi, kẻ địch run sợ, một số quan huyện đã bỏ chạy. Những hoạt động đánh úp liên tiếp của Việt Minh đã ảnh hưởng không ít tới tinh thần binh lính và tay chân của địch. Tại đồn Bần, sau thất bại của địch ngày 16-3-1945, thì ngày 16-8-1945 dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh và Học trận đánh đồn Bần lần thứ hai được diễn ra. Tuy nhiên, trong trận đánh này, do ta mất cảnh giác nên địch đã hoãn binh, tháo chạy và mang theo toàn bộ vũ khí. Do nghi ngờ bị Việt Minh thôn Bần đánh úp nên mấy hôm sau, địch đã tiến hành khủng bố thôn Bần, đồng chí Huỳnh đi họp về qua cũng bị bắt cùng một số người dân. Do sợ bị lộ nên đồng chí đã vận động một số người dân bỏ chạy nhưng đã bị giặc bắn và hy sinh. Cùng ngày lực lượng Việt Minh huyện Tiên Lữ đã ập vào huyện với khí thế hùng mạnh, buộc binh lính của huyện giao vũ khí cho ta. Đến ngày 19-8-1945, được tin khởi nghĩa thắng lợi ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Hà Nội, Việt Minh huyện mới huy động quần chúng làm mít tinh xoá bỏ chính quyền cũ, lập chính quyền mới, chính quyền cách mạng. Cùng ngày 17-8-1945 tại Văn Giang, Việt Minh đã quyết định huy động lực lượng từ các cơ sở Xuân Cầu, Như Lân với vũ khí trong tay là một khẩu súng mút, một vài súng kíp còn lại toàn giáo mác tiến đến mở cộng huyện buộc binh lính huyện nộp cho ta 10 khẩu súng, cho binh lính về quê, tri huyện tiếp tục trông coi đê điều.
          Khi các nơi đã rầm rộ khởi nghĩa thì ở Ân Thi cơ sở vẫn chưa được thống nhất. Lực lượng phần lớn của huyện lấy ở cơ sở từ huyện Kim Động. Khi tiến vào huyện, tri huyện đi vắng, tên Hiền hạ lệnh đóng cổng và xả súng vào lực lượng của ta làm 2 chiến sỹ hy sinh. Hôm sau, được sự giúp đỡ của lính khố xanh, binh lính của huyện mới rút về tỉnh. Ngày 20-8-1945 chính quyền cách mạng ở Ân Thi mới được thành lập.
          Tại thị xã Hưng Yên, tin tức khởi nghĩa ở các nơi dội tới, quần chúng cách mạng đòi hỏi được hành động. Số hội viên cứu quốc còn lại sau khủng ố của Nhật đã thống nhất kế hoạch hợp tác với cơ sở dân chủ của Đảng Dân Chủ (nhóm của Việt Hùng). Ngày 18-8-1945, ta dùng mối quan hệ thuyết phục tên giám binh Đức làm áp lực thuyết phục. Đức giao trại Bảo an binh cho ta, Việt Minh treo cờ, bắn súng. Thấy vậy, quân Nhật kéo đến bao vây, bắt nhân dân phải hạ cờ. Ngay chiều hôm đó đã có một cuộc điều đình giữa Việt Minh và Nhật tại dinh tỉnh trưởng. Tuy lực lượng đã tê liệt nhưng địch vẫn chưa chịu hàng. Sau cuộc họp, Việt Minh thị xã phải chia nhau đi vận động nhân dân các khu phố, dán biểu ngữ buộc địch phải hàng.
          Tại Yên Mỹ, tên tri huyện giao động trước khí thế, sức mạnh của Việt Minh, nhưng do sợ Nhật nên tri huyện quyết không giao vũ khí cho ta nên Việt Minh đã quyết định lấy huyện bằng vũ trang. Sáng sớm nagỳ 19-8-1945, quần chúng cách mạng với vũ khí thô sơ kéo về huyện, bắt tên tri huyện và thu vũ khí. Lực lượng cách mạng tiến hành thành lập chính quyền ngay trong ngày hôm sau.
          Ở huyện Kim Động, sau khi có nghị quyết của Ban cán sự tỉnh, Việt Minh gấp rút mở hội nghị tại Tạ Xá Hạ để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Đến sáng ngày 20-8-1945, khoảng 300 tự vệ, hội viên Cứu quốc quân, quần chúng cách mạng kéo vào huyện. Tên tri phủ bỏ trốn, binh lính khiếp sợ đầu hàng, Việt Minh tiến vào huyện đường thu sổ sách, tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, Uỷ ban nhân dân huyện lâm thời.
          Tại huyện Văn Lâm, ngày 21-8-1945, Việt Minh huy động, tập hợp quần chúng tập trung về huyện. Trước khí thế đó, địch không dám chống cự. Việt Minh bắt tên tri huyện, thu 10 khẩu súng. Chiều ngày 21, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập.
          Ngày 22-8-1945, toàn tỉnh tiến hành tổng biểu tình, mít tinh giành chính quyền trong cả tỉnh. Với khí thế tưng bừng, dưới rừng cờ rừng hoa và biểu ngữ, gương mặt mọi người tươi vui phấn khởi, cả biển người hô vang khẩu hiệu:
-         Đả đảo chính quyền bù nhìn!
-         Chính quyền về tay nhân dân!
-         Ủng hộ Việt Minh!...
Trong cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh đã đọc lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh và thông báo tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh bạn. Đồng thời phổ biến chính sách của Việt Minh, kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Việt Minh. Tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.
Ngay đêm ngày 22-8-1945, tại nhà bà Ngô Thị Nhung, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập, gồm các đồng chí: Học Phi, Lương Hiền, Trình, Sáng và Trịnh Quốc Đông, Trương Công Nghệ, đồng chi Học Phi làm Chủ tịch.
Ngày 23-8-1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên ra mắt. Tại cuộc mít tinh, đồng chí Học Phi thay mặt Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời công bố danh sách các uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời, nêu ý nghĩa thắng lợi cách mạng, kêu gọi mọi người đoàn kết, hăng hái gia nhập Mặt trận Việt Minh, kiên quyết bảo vệ chính quyền cách mạng…
Sau ngày 22-8-1945, các tổ chức Việt Minh và cơ sở đảng ở hầu hết các huyện đều được tổ chức thành chính quyền cách mạng. Cho tới ngày 25-8-1945, chính quyền cách mạng ở cơ sở đã căn bản được xác lập. Sau khi ra đời, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên đã khẩn trương ổn định tình hình chính trị, xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tổ chức tốt việc phòng chống lũ lụt, đối phó với quân Tàu Tưởng cùng bè lũ tay sai.

3.5 Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Hưng Yên

Cuộc biểu tình ngày 22-8-1945 giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hưng Yên được coi là ngày thắng lợi chung của phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hưng Yên trong Cách mạng Tháng Tám. Nhờ áp lực mãnh mẽ của quần chúng nhân dân mà cuộc khởi nghĩa ở tỉnh bắt đầu từ ngày 18-8-1945 giành thắng lợi, lập nên chính quyền cách mạng lâm thời.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hưng Yên giành thắng lợi, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bô. Sự lãnh đạo đúng đắn, có hiệu quả của Đảng bộ đó là việc vận động quần chúng, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến Đảng bộ mau lẹ chớp thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền. Có được thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám 1945 đó, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã phải trải qua rất nhiều khó khăn với biết bao tổn thất mất mát lớn lao. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trung kiên và quần chúng cách mạng đã hy sinh, biết bao chiến sỹ cách mạng kiên cương, bất khuất khi bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn, nhục hình, vẫn kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, góp phần đưa cách mạng đến thành công.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Hưng Yên là sự đóng góp chung của Đảng bộ và nhân dân địa phương vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước, cuộc cách mạng đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Mở đầu cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta.
Trang sử hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong Cách mạng Tháng Tám mãi là niền tự hào cho các thế hệ mai sau.
          Thắng lợi này đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên những bài học kinh nghiệm quý báu:
-         Dựa vào quần chúng nhân dân để xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng là nhân tố thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền.
-         Thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền là kết quả của sự chỉ đạo công tác tập hợp, phát động quần chúng đấu tranh với nội dung và hình thức thích hợp.
-         Không ngừng củng cố, xây dựng Đảng, Mặt trận, các đoàn thể quần chúng, đào tạo lực lượng cốt cán ở địa phương vững mạnh là yếu tố quyết định của thắng lợi.
-         Chủ động, mau lẹ chớp thời cơ, dũng cảm tiến hành khởi nghĩa bằng cả lưc lượng chính trị và lực lương vũ trang, kết hợp chặt chẽ sự chỉ đạo với chủ động, sáng tạo phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.

 

Tin liên quan