Đấu thầu, dự án
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 44
Phần 9 - Đảng bộ lãnh đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (1958-1960)

Bước vào giai đoạn 1958-1960, tỉnh Hưng Yên có những thuận lợi cơ bản, đó là công cuộc khôi phục kinh tế đã cơ bản được hoàn thành, chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, phong kiến ở nông thôn đã hoàn toàn bị xóa bỏ…

Cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội

Sau ba năm (1954-1957), công cuộc khôi phục kinh tế đã hoàn thành về cơ bản, tình hình kinh tế - xã hội ở miền Bắc có nhiều chuyển biến tích cực. Sức sản xuất được phục hồi, vết thương chiến tranh từng bước được hàn gắn, đời sống nhân dân đã được cải thiện đáng kể.

Bước vào giai đoạn 1958-1960, tỉnh Hưng Yên có những thuận lợi cơ bản, đó là công cuộc khôi phục kinh tế đã cơ bản được hoàn thành, chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, phong kiến ở nông thôn đã hoàn toàn bị xóa bỏ… Đây là những tiền đề quan trọng để Hưng Yên bước vào giai đoạn cải tạo các thành phần kinh tế cá thể theo hướng xã hội chủ nghĩa. Song, về cơ bản nền kinh tế của tỉnh nhà vẫn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lao động thủ công, năng suất lao động thấp.
Quán triệt Báo cáo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hưng Yên đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tạo thành cao trào hợp tác hóa mạnh sản xuất nông nghiệp một cách nhanh chóng, lấy sản xuất lương thực làm trọng tâm, song phải coi trọng các loại cây khác.

Hưng Yên bước vào thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong điều kiện tình hình nông thôn khá ổn định. Đầu tháng 1-1958, Tỉnh ủy có Nghị quyết về việc làm thủy lợi, phải tập trung làm các tiểu thủy nông, đào giếng mạch để lấy nước, đảm bảo đủ nước cho gieo trồng. Ngày 05-01-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Người biểu dương và động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh tham gia chống hạn.

Ngày 31-01-1958, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ra Nghị quyết số 03-NQ/TU triển khai việc tiếp tục tìm nguồn nước. Với tinh thần quyết tâm cao, tất cả cho chống hạn, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã hoàn thành việc nạo vét sông và các cống, khai thông và đào được 113 mương ngòi (trong đó 44 con ngòi mới), đào và sủa lại đuợc 1.300 giếng nước (trong đó có 43 giếng đào mới)… Để động viên địa phương đạt thành tích trong việc chóng hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm, làm việc và huấn thị cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.

Qua ba năm (1958-1960) làm thủy lợi, Hưng Yên đạt nhiều thành tích to lớn. Từ năm1959 đến 1960, toàn tỉnh đã làm thuỷ lợi đào đắp được trên 30 triệu m3 đất, vượt 43,5% so với kế hoạch Trung ương giao. Với thành tích đó, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng một chiếc đồng hồ vàng.

Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 10-9-1958 của Tỉnh ủy Hưng Yên nêu rõ: muốn xây dựng thành công hợp tác xã phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đây là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào. Trên cơ sở rút kinh nghiệm về xây dựng, tổ chức, điều hành hợp tác xã, Tỉnh ủy quyết định triển khai điều hành hợp tác xã, Tỉnh ủy quyết định triển khai rộng ra phạm vi tòan tỉnh. Ngày 20-3-1959, Tỉnh ủy có Nghị quyết số 05-NQ/TU về việc xây dựng hợp tác xã.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, phong trào xây dựng hợp tác xã đã phát triển mạnh. Cuối năm 1959, Hưng Yên đã có 95% số hộ nông dân tham gia vào tổ đổi công, hợp tác xã bậc thấp, mỗi hợp tác xã trung bình có 25 hộ, cả tỉnh đạt 25% số hộ vào hợp tác xã.

Tuy nhiên, trong xây dựng hợp tác xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, các hợp tác xã chưa phát triển đều, trong công tác quản lý chưa coi trọng việc công khai tài chính, chưa có kế hoạch sản xuất, năng suất lao động chưa cao… Để khắc phục những tồn tại đó, ngày05-03-1960, Tỉnh ủy có Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng và củng cố hợp tác xã, phấn đấu đến cuối năm 1960 có từ 80% đến 85% số hộ nông dân vào hợp tác xã, đồng thời mở rộng việc thí điểm đưa hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao ở những nơi có đủ điều kiện.

Thắng lợi của việc xây dựng hợp tác xã trong vòng ba năm (1958-1960) thể hiện sự lớn mạnh của phong trào. Đầu năm 1958 cả tỉnh mới chỉ có 3 hợp tác xã thí điểm, cuối năm 1958 đã có 222 hợp tác xã ở 109 xã. Cuối năm 1960, con số đã tăng lên 1.408 hợp tác xã ở 156 xã, thu hút 93% số hộ nông dân tham gia. Phong trào hợp tác không những phát triển về số lượng và quy mô tổ chức, chất lượng của phong trào cũng có nhiều tiến bộ. Quần chúng đã có lòng tin và tích cực tham gia hợp tác xã.

Do phong trào hợp tác hóa được đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp đạy được những thành tích đáng kể. Tính đến cuối năm 1960, toàn tỉnh cấy được 63.988 mẫu, trong đó có 60.631 mẫu 5 sào lúa chiêm, mùa chính vụ, 2.636 mẫu lúa Nam Ninh và Tép Xuân, 721 mẫu lúa Lốc.

Trong chăn nuôi gia súc đã tập trung vào việc phát triển đàn trâu, bò để lấy sức kéo và lấy phân bón ruộng… Diện tích mặt nước thả cá ao, hồ, đầm là 4.763 mẫu, thả cá ruộng  là 6.952 mẫu. Chăn nuôi gia cầm trong tỉnh tăng nhanh, gà nuôi có 1.674.775 con so với năm 1959 tăng gấp bốn lần, vịt thịt có 399.760 con.

Bên cạnh những ưu điểm và thành tích, trong phong trào xây dựng hợp tác xã cũng còn những hạn chế yếu kém trong quản lý, sử dụng lao động, một số cán bộ còn tư tưởng bảo thủ, ngại khó…
Trong công nghiệp tỉnh đã chú trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, tập trung xây dựng Xưởng Cơ khí nông cụ Lực Điền và Xưởng phân bón vi sinh vật đặt tại huyện Yên Mỹ; xưởng cơ khí 1-5 của Tỉnh đội; xưởng gạch ngói…
Lĩnh vực thương nghiệp và thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô không lớn lắm. Thủ công nghiệp có 22 ngành nghề nằm trong kế hoạch của nhà nước và 39 ngành nghề tự sản, tự tiêu. Tỉnh uỷ đã chú trọng chỉ đạo đưa sản xuất thủ công nghiệp vào làm ăn tập thể.Một số ngành nghề được mở rộng như dệt vải tại thị xã Hưng Yên, dệt lụa ở Liên Phương…

Công tác cải tạo công, thương nghiệp tư bản tư doanh đã được tiến hành. Tỉnh vận động các hộ làm nghề thương nghiệp và thủ công nghiệp tham gia vào buôn bán và sản xuất tập thể, song còn chậm. Phương châm, nhiệm vụ của công tác thương nghiệp là phải phấn đấu phát triển mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, hạn chế thương nghiệp tư bản tư doanh, mở rộng thương nghiệp tư bản nhà nước, tổ chức tiểu thương vào con đường hợp tác tương trợ giúp đỡ nhau, có kế hoạch sắp xếp thương nghiệp, quản lý sản xuất mở rộng gia công đặt hàng, tổ chức các hình thức hợp tác xã đối với thủ công nghiệp.

Hưng Yên đã thực hiện quản lý thị trường chặt chẽ, củng cố mậu dịch quốc doanh, chú ý quản lý các tư thương để thị trường vật giá căn bản ổn định.
Cùng với những kết quả đáng khích lệ trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh cũng có những bước phát triển mới. Ngầnhgió dục đã có những hoạt động nổi bật trong thời kỳ khôi phục và cải tạo kinh tế. Giáo dục phổ thông có nhiều tiến bộ. Sau khi thành lập Ban Cán sự giáo dục, việc giảng dạy đã gắn với thực tiễn, có sự kết hợp văn hóa với chính trị, và ý thức lao động, làm cho ý thức học tập của học sinh tiến bộ hơn. Ngoài học văn hóa, thầy và trò các trường đã hăng hái lao động cùng nhân dân đào sông, ngòi, lấy phân xanh, cấy ruộng thí nghiệm… Trong năm học 1959-1960, toàn tỉnh có tất cả 80.589 học sinh các cấp. Có 88% học sinh đỗ tốt nghiệp cấp I, 92% học sinh đỗ tốt nghiệp cấp II. Bình quân mỗi xã có một trường cấp I, ba xã có một trường cấp II.

Phong trào bình dân học vụ vẫn được quan tâm chỉ đạo. Năm 1958, toàn tỉnh dấy lên phong trào thi đua diệt giặc dốt. Tỉnh đã thành lập Ban Thanh toán nạn mù chữ các cấp, phát động phong trào thi đua đi học. Các huyện có phong trào rầm rộ là: Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ. Toàn tỉnh có 13.045 người theo học các lớp bổ túc văn hóa. Đã có ba huyện và thị xã được công nhận hoàn thành thanh toán nạn mù chữ; 18 xã và thị xã có nhiều thành tích diệt giặc dốt được Chính phủ tặng Huân chương; nhiều huyện, xã được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ.

Công tác văn hóa, văn nghệ quần chúng được Tỉnh ủy quan tâm đúng mực. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi ở khắp các xã, cùng với đoàn Văn công của tỉnh đã hoạt động tích cực phục vụ nhân dân địa phương.
Công tác thể dục thể thao cũng được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, các phong trào thể thao quần chúng nhân dân ngày một phát triển. Phong trào thể dục thể thao quốc phòng, điền kinh với khẩu hiệu “Khỏe để lao động sản xuất, khỏe để kiến thiết bảo vệ Tổ quốc” phát triển ở nhiều nơi, từ các trường học, cơ quan, xí nghiệp đến nông thôn đều hưởng ứng tham gia chiến dịch.

Công tác y tế được các cấp Đảng ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nổi bật là phong trào vệ sinh phòng bệnh được phát động rộng rãi tới hầu hết các xã trong tỉnh, các phong trào đã có sự liên kết như vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể. Y tế dân lập đựơc mở rộng.

Như vậy, với những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế và những thắng lợi của công tác băn hóa, giáo dục, y tế, thể thao (1958-1960) đã góp phần quan trọng vào việc củng cố quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa ở địa phương.

Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự
Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được chú trọng, củng cố. Thực hiện Chỉ thị 119-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo củng cố dân quân, tự vệ, xây dựng lực lượng hậu bị, tại Hội nghị cán bộ ngày 10-12-1958, Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai công tác nghĩa vụ quân sự và việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và nhân dân, nhất là lực lượng thanh niên tạo thành phong trào tự nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Những hoạt động thực tiễn ở Hưng Yên được Hội nghị bàn về xây dựng dân quân, tự vệ và lực lượng hậu bị của Bộ Quốc phòng (10-1958) khẳng định là đúng đắn. Việc xây dựng lực lượng quân sự, nhất là lực lượng dân quân, tự vệ, đã thể hiện những quan điểm về quốc phòng toàn dân, đặc biệt là sau thí điểm thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt một ở Vĩnh Phúc (3-1958). Tỉnh ủy Hưng Yên xác định việc làm thử nghĩa vụ quân sự ở Hưng Yên phải là một cuộc vận động chính trị rộng rãi.

Lực lượng quân sự của Hưng Yên vừa làm xung kích, làm nòng cốt trong công tác tủy lợi, vừa đẩy mạnh huấn luyện, từng bước diễn tập các phương án chiến đấu, bảo vệ trị an. Với những thành tích và sự đóng góp to lớn về nhiều mặt, ngày 22-12-1959, nhân dịp kỉ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, dân quân, tự vệ Hưng Yên được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Sau hơn một năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, Tỉnh ủy đã chủ trương lãnh đạo, củng cố đội ngũ dân quân, tự vệ. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm chỉ đạo đúng mức, giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên, dân quân, tự vệ và thanh thiếu niên về ý thức cảnh giác, xây dựng, củng cố quốc phòng. Thanh niên hăng hái xung phong tham gia quan thường trực với số lượng vượt yêu cầu 38%. Ngoài ra, các cấp ủy Đảng còn chú ý phát triển lực lượng hậu bị dự phòng, đưa vào nền nếp.

Về an ninh trật tự, cuối năm 1960, việc bảo vệ trị an, nâng cao cảnh giác, giữ gìn trật tự an toàn trên địa bàn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp.

Công an và quân sự đã phối kết hợp bàn biện pháp giữ gìn an ninh, trật tự ở những địa bàn trọng điểm, những nơi tiếp giáp giữa các huyện mà kẻ xấu thường hay lợi dụng để hoạt động. Tỉnh chia thành các cụm, từng cụm có cơ quan chỉ huy thường trực.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể

Trong thời kỳ khôi phục kinh tế và cải tạo kinh tế, tình hình chính trị trong nước có những biến động lớn tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Lợi dụng những sai lầm trong cải cách ruộng đất, các thế lực phản động tìm mọi cách chia rẽ Đảng với nhân dân, chống lại đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc do Đảng ta lãnh đạo. Trước tình hình này, Đảng ta xác định cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng.

Tháng 12-1957, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đọc báo cáo về  Thống nhất tư tưởng, đoàn kết toàn Đảng đẩy mạnh hoàn thành nhiệm vụ công tác trước mắt; tháng 5-1958, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 85-CT/TW về kế hoạch học tập lý luận chính trị Mác-Lênin cho cán bộ, đảng viên trong năm 1958. Chấp hành Nghị quyết, Tỉnh ủy đã đề ra kê hoạch họa tập cho cán bộ, đảng viên quán triệt quan điểm của Đảng, nằhm nâng cao nhận thực và trình độ chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Đến cuối năm 1958, toàn tỉnh có 6.761 đảng viên, trong đó có 5.415 đảng viên ở nông thôn, 1.346 đảng viên ở cơ quan, đã phục hồi 187 đảng viên do bị mất liên lạc.

Đại hội đại biểu lần thứ IV

Từ ngày 8 đến ngày 15-3-1959, tại Hội trường Đảng của tỉnh, Đảng bộ Tỉnh Hưng Yên tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV với 131 đại biểu đại diện cho 6.716 đảng viên về dự. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ khóa IV gồm 25 ủy viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành đã bầu ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 7 đồng chí, đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Duy Dương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Nghị quyết Đại hội được tóm tắt thành Tứ hóa gồm: Thủy lợi hóa, hợp tác hóa, bổ túc văn hóa và quân sự hóa.

Sau Đại hội, Tỉnh ủy Hưng Yên đã tổ chức đợt học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, có gần 80% tổng số đảng viên của Đảng bộ tham dự các lớp nghiên cứu Nghị quyết. Nhưng tư tưởng hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân bị phê bình mạnh, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của đảng viên được tăng cường, mỗi cán bộ, đảng viên tự xác định được trách nhiệm, cuơng vị công tác của mình trong giai đoạn hiện đại.

Trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện Chỉ thị 158 của Trung ương Đảng về tăng cường công tác tuyên truyền, các cấp ủy Đảng tổ chức các lớp học tìm hiểu về Đảng, về quá trình xây dựng đất nước.

Tháng 01-1959, đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ Chính trị về tìm hiểu công tác xây dựng Đảng trong phòng trào thủy lợi hóa và hợp tác hóa tại Hưng Yên. Từ thực tế đồng chí đánh giá: tất cả những đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia phong trào làm thủy lợi, phong trào xây dựng hợp tác xã, đặc biệt là những đoàn viên đi đầu trong các phong trào, có tinh thần làm chủ tập thể cao, đạt năng suất lao động cao, được tập thể suy tôn là kiện tướng, chiến sỹ thi đua đều xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng quang vinh. Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã được Bác Hồ khen là tỉnh tiên tiến.

Đại hội Đảng bộ lần thứ V

Từ ngày 27-6 đến ngày 06-7-1960, tại Hội trường Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (vòng một) được tổ chức. Đại hội có 262 đại biểu đại diện cho 6.974 đảng viên của tỉnh về dự, trong đó có 18 đại biểu dự khuyết, 19 đại biểu chỉ định. Tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, bầu đoàn đại biểu gồm 9 đồng chí chính thức và 1 đồng chí dự khuyết đại diện cho Đảng bộ Hưng Yên đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.

Từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.

Công tác tư tưởng được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, Tỉnh ủy đã tập trung vào việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đnảg viên, để củng cố thêm nhận thức về nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, hiểu rõ thêm tính giai cấp và đội tiên phong của Đảng.

Trong các tổ chức cán bộ, thi hành chủ trương của Trung ương “đơn giản bộ máy hành chính, tăng cuờng chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo của khối kinh tế, bổ sung lực lượng nòng cốt cho xã”, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các địa phương, cơ sở, ban, ngành đưa 156 cán bộ về khu vực sản xuất, chấn chỉnh lại bộ máy lãnh đạo của các sở, ban, ngành…

Để nâng cao năng lực cho các cấp ủy Đảng và cán bộ chủ chốt cơ sở, Tỉnh ủy đã có sự chú ý bồi dưỡng cả về chính trị, văn hóa, chuyên môn. Năm 1959, toàn tỉnh có 1.336 cán bộ học xong lớp chính trị cơ sở, 1.260 cán bộ có trình độ trung cấp, sơ cấp… Việc phát triển Đảng được các chi bộ quan tâm, đến năm 1959, cả tỉnh có 6.625 đảng viên. Từ năm 1958 đến năm 1959, toàn tỉnh đã phát triển Đảng được ở 19 thôn trước đây chưa có đảng viên, trong đó có một số chi bộ vùng Công giáo. Tổng số Đảng viên được phát triển mạnh trong các năm 1959-1960, tăng hơn gấp 4 lần so với hai năm 1957-1958.

Nhìn chung, công tác xây dựng Đảng trong các năm (1958-1960) đạt được những thành tích đáng kể cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức,  song cũng còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ còn thấp kém;  lề lối làm việc của cấp ủy còn luộm thuộm, nội dung sinh hoạt chưa được chu đáo, việc kỷ luật Đảng còn hơi vội vàng…

Để thực hiện tốt kế hoạch nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội, giữ gìn trật tự trị an, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo các cấp ủy  củng cố chính quyền, kiện toàn cơ quan quản lý cấp xã.
Các cuộc bầu cử, số cử chi đi bầu ở các huyện đều đạt tỷ lệ cao, huyện thấp nhất cũng đạt  tỷ lệ 83%, thể hiện tinh thần làm chủ, ý thức chấp hành và sự tôn trọng chính quyền dân chủ nhân dân được nâng lên.
Sau khi bầu cử, Tỉnh ủy tổ chức cho cán bộ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính cấp xã đi tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

Việc củng cố chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở đã được quan tâm nhằm nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, quản lý kinh tế địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, đảm bảo đời sống nhân dân. Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cáp đã thực sự đáp ứng được vai trò của mình.

Đi đôi với việc củng cố Ủy ban nhân dân, Tỉnh còn chú ý đến việc củng cố, chấn chỉnh các ngành chính quyền như: công an, tòa án… Từ đó, phát hiện được nhiều vụ phạm pháp về hình sự, kịp thời trấn an các phần tử gây rối trật tự.
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đã có nhiều tiến bộ so với thời gian trước, các tổ chức quần chúng được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở các xã.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trong ba năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi thử thách khó khăn, gian khổ giành được những thắng lợi quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp.

Phát huy khí thế, thành tích và kinh nghiệm của ba năm khôi phục cải tạo kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã chủ động triển khai các chỉ thị; nghị quyết của cấp trên một cách đúng đắn sáng tạo. Tư tưởng chỉ đạo chung là phải kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với bảo vệ, giữa kinh tế với quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội với xây dựng hậu phương để Hưng Yên thực sự  vững bước tiến sang giai đoạn mới.

Tin liên quan